Hàng chục tỷ USD lợi nhuận của các công ty phương Tây ‘mắc kẹt’ tại Nga

Theo Financial Times (FT), các công ty phương Tây tiếp tục hoạt động ở Nga kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã không thể tiếp cận hàng tỷ USD lợi nhuận của họ và càng không thể chuyển chúng ra khỏi Nga.

Hàng chục tỷ USD lợi nhuận của các công ty phương Tây ‘mắc kẹt’ tại Nga

Ảnh minh họa.

“Hàng chục tỷ USD đang bị mắc kẹt ở Nga. Và không có cách nào để đưa số tiền này ra ngoài”, giám đốc điều hành của một công ty lớn có trụ sở tại một quốc gia mà Nga xem là "không thân thiện" chia sẻ với FT.

Theo Trường Kinh tế Kyiv (KSE), vào cuối năm 2022, các công ty bị Nga xem là “không thân thiện” đã tạo ra lợi nhuận ít nhất 18 tỷ USD.

Dữ liệu của KSE cho thấy trong số các công ty có nguồn gốc "không thân thiện" vẫn hoạt động ở Nga, ngân hàng Raiffeisen của Áo đã báo cáo thu nhập năm 2022 lớn nhất ở nước này với 2 tỷ USD. Tập đoàn Mỹ Philip Morris và PepsiCo thu về lần lượt 775 triệu USD và 718 triệu USD.

Lợi nhuận 621 triệu USD của tập đoàn Thụy Điển Scania ở Nga vào năm 2022 đã khiến tập đoàn này trở thành công ty có thu nhập cao nhất trong số các công ty đã rút khỏi đất nước này kể từ năm 2022.

Một nguồn tin nói với FT rằng việc rút cổ tức khỏi Nga khó khăn như việc bán một doanh nghiệp. Ngay cả một số công ty từ các quốc gia “thân thiện” như Ấn Độ cũng đang gặp khó khăn trong việc chuyển cổ tức của họ về nước.

Ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, một loạt công ty nước ngoài đã “tháo chạy” khỏi Nga, một số khác cho biết sẽ giảm nhập khẩu hàng Nga hoặc giảm đầu tư mới vào nước này.

Tuy nhiên, rời khỏi Nga không hề đơn giản. Moscow ngày càng đặt ra nhiều rào cản đối với các công ty muốn rút khỏi nước này. Hồi tháng 4, Nga thông qua một nghị định cho phép chính quyền nước này tạm thời kiểm soát tài sản của các công ty hoặc cá nhân từ những quốc gia mà Moscow gọi là các quốc gia “không thân thiện”.

Theo quy định hiện tại, các công ty muốn rời Nga sẽ phải có sự chấp thuận từ chính phủ Nga và phải bán tài sản với giá giảm 50%. Nga cũng tịch thu tài sản và cấm các ngân hàng nước ngoài và các công ty năng lượng bán cổ phần nếu không có sự chấp thuận của đích thân Tổng thống Vladimir Putin.

Thêm vào đó, một số doanh nghiệp phương Tây cũng không muốn mạo hiểm trao thị phần cho các công ty ở những nước mà Nga xem là “thân thiện” như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh, vốn đang "để mắt" đến những tài sản và cổ phần của họ tại Nga.

Theo Vietnam Finance